Tại Việt Nam và các nước Á Đông nói chung, văn hoá “Tôn sư trọng đạo” đã trở thành một truyền thống lâu đời trong tâm thức của từng người. Nhìn lại cơ tầng văn hoá dân tộc, ta sẽ nhận thấy Việt Nam là một trong những quốc gia đồng văn với Trung Quốc, các dân tộc chịu nhiều ảnh hưởng từ quan niệm Nho Giáo. Cũng vì thế, thái độ đề cao trật tự tôn ti trở thành thiết yếu.
Theo đạo cương thường của Nho gia, mối quan hệ Thầy – Trò được chú trọng. Trước hết, điều này cho thấy sự tôn trọng, kính nể của xã hội đối với bộ phận trí thức trong cộng đồng. Thêm nữa, những kiến thức mà người Thầy truyền dạy còn là đạo lý làm người, là hành trang để những học trò trở thành những bậc “quân tử” có khả năng “tề gia – trị quốc – bình thiên hạ”, tức là giúp người, giúp đời. Cũng vì thế, từ thời phong kiến, người Thầy được trọng vọng và tôn kính.
Bên cạnh đó, văn hoá phương Đông có xu hướng trọng tình, nhiều người Thầy vừa dạy dỗ, vừa nuôi nấng học trò của mình cho đến ngày thành danh. Do đó, thái độ “Tôn sư trọng đạo” là một hành động tri ân, khắc ghi công ơn của những người Thầy đã dốc trọn sức mình để ươm mầm những hạt giống tốt cho cộng đồng, xã hội.
Khác với văn hoá phương Đông, trong khi những người thầy như Khổng Tử, Mạnh Tử được tôn thành Thánh nhân thì tại phương Tây, không ít những cặp thầy trò đã “cạch mặt” nhau vì bất đồng quan điểm học thuật. Điển hình nhất là thế hệ của Socrates, Plato và Aristotle thời cổ đại hay sự ly khai của các trường phái Phân tâm học do mâu thuẫn của S. Freud, C. Jung và Lacan. Vậy, sự khác biệt này là do đâu? Phải chăng người phương Tây không tôn trọng những người Thầy của mình?
Thực tế, vai trò của người Thầy tại phương Đông được “tuyệt đối hoá” là vì quan niệm tôn ti ăn sâu bén rễ, dẫn đến việc các hậu bối phải nhất mực tuân thủ những tiền lệ, không dám làm khác đi. Trong khi đó, người phương Tây mạnh về tư duy phản biện, không ngần ngại thể hiện thái độ chất vấn với khoa học.
Ở đây, quan hệ Thầy – Trò được thiết lập trên phương diện khoa học và tất cả đều bình đẳng trong học thuật. Cũng đồng nghĩa, người Thầy có thể bình thường hóa với việc học trò có tầm nhìn khác mình, thậm chí là vượt trội, cấp tiến hơn. Như vậy, vai trò của một người Thầy được nhìn nhận ở khả năng dẫn dắt, truyền đạt, nghĩa là một “người đi trước”, có kinh nghiệm hơn do tuổi đời dày dặn.
Nếu như phương Đông trọng tình thì phương Tây theo khuynh hướng duy lý, phân biệt rạch ròi trong khoa học và nghiên cứu. Cũng vì thế, lời Thầy nói có khi không phải là tất cả hay duy nhất. Do đó, khi các du học sinh Việt sang nước ngoài, các bạn có thể “sốc” vì tiêu chí đánh giá kết quả học tập sẽ dựa thêm vào tiêu chí mới so với thời gian học trong nước – khả năng phản biện.
Với quan điểm giáo dục này, các quốc gia phương Tây đã tiến hành thực hành phương pháp Active Learning, đây cũng là định hướng đào tạo được ứng dụng tại SHAPE. Ở đây, vai trò của các Thầy Cô sẽ là người hướng dẫn, định hướng để các bạn học sinh có thể đi đúng con đường mình chọn. Không áp đặt những lựa chọn lên các học viên của mình, các thầy cô đồng hành cùng các bạn để chinh phục mục tiêu và hiện thực hóa những ước mơ. Nhờ vậy, các bạn học sinh của SHAPE luôn có thể tự tin thể hiện màu sắc, cá tính của riêng mình nhưng không sợ mắc phải những rủi ro, sai lầm trong lựa chọn.
Song, dù nói rằng văn hoá phương Tây cởi mở, bình đẳng trong quan hệ Thầy – Trò cũng không đồng nghĩa rằng người phương Tây chỉ biết “cãi Thầy”. Thực tế, mối quan hệ Thầy – Trò của phương Tây cũng tốt đẹp, hoà nhã không kém các dân tộc Á Đông. Nếu như ở Việt Nam, học trò thể hiện tình cảm với các Thầy Cô của mình bằng lối xưng “con” hay “Vâng”, “Dạ”, “Thưa” thì ở phương Tây, việc sử dụng kính ngữ cũng không hề xa lạ nhầm thể hiện sự tôn kính với Thầy Cô.
Nhưng cũng cần nhìn nhận một thực tế rằng, ngay cả ở Việt Nam ngày nay, văn hoá “Tôn sư trọng đạo” cũng không còn được thể hiện bằng những “công thức” cũ. Để tri ân Thầy Cô, các bạn học sinh không nhất thiết phải dùng “văn mẫu” để cảm ơn công ơn hay tặng những món quà long trọng để thể hiện thành ý. Nếu hình dung “Tôn sư trọng đạo” là một thái độ nhầm thể hiện tình cảm, sự trân trọng công dạy dỗ của thầy cô thì bạn hoàn toàn có thể lựa chọn lời cảm ơn theo cách riêng mà bạn cho là phù hợp nhất với Thầy, Cô mà mình yêu quý.
Vậy thì, với Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay, bạn đã sẵn sàng gửi lời tri ân đến các “sư phụ” của mình hay chưa?